Biểu tượng chỉ dẫn làm việc trên máy tính quen thuộc với người sử dụng hằng ngày, nhưng ít ai biết về nguồn gốc của chúng.
Biểu tượng này vốn rất nổi tiếng. Nó đã được in lên áo T-Shirt và là nút đầu tiên bạn phải ấn khi dùng máy tính. Thậm chí biểu tượng này còn được in trên nhãn của bao cao su NYC.
Vào thế chiến thứ II, các kỹ thuật viên đã sử dụng hệ nhị phân để biểu hiện trạng thái của các nguồn điện cho những khoá chuyển mạch. Họ sử dụng ký tự 1 để biểu thị trạng thái ON và ký tự 0 để biểu thị trạng thái OFF. Năm 1973, Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế IEC (International Electrotechnical Commission) đã quyết định kết hợp hai ký tự này lại trở thành một biểu tượng với vòng tròn khuyết và một đường thẳng nằm bên trong để biểu thị trạng thái “nghỉ” (standby).
Viện kỹ sư điện và điện tử Mỹ IEEE (International Electrotechnical Commission) quyết định coi biểu tượng này là tượng trưng cho “điện năng”. Từ đó cho đến nay, rất nhiều thiết bị điện tử đã sử dụng biểu tượng này cho phím nguồn.
Command
Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng biểu tượng Command nổi tiếng trên những chiếc máy Mac lại có liên quan tới hoạt động cắm trại của người Thụy Điển. Theo Andy Hertzfedl thuộc nhóm nghiên cứu phát triển Mac, khi nghiên cứu menu các lệnh trực tiếp từ bàn phím, các thành viên trong nhóm đã quyết định sẽ thêm vào một phím chức năng đặc biệt. Ý tưởng rất đơn giản: Khi được nhấn cùng các phím khác, phím này sẽ thực hiện những lệnh tương ứng.
Ban đầu nhóm nghiên cứu quyết định vẫn dùng logo quả Táo nhưng sau đó họ nhận thấy đã có quá nhiều Táo cắn dở trên màn hình rồi. Sau đó Susan Kare đã đưa ra một biểu tượng lấy từ từ điển biểu tượng quốc tế. Biểu tượng này thể hiện một hình bông hoa cách điệu vốn được dùng ở Thụy Điển để chỉ các điểm cắm trại. Ngoài ra thì biểu tượng này còn là vòng lặp Gorgon, một vòng lặp không kết thúc và trong bảng mã Unicode, nó có nghĩa là "điểm thu hút sự chú ý". Từ đó, biểu tượng Command vẫn được sử dụng trên các máy Mac cho đến ngày nay.
Bạn có biết rằng biểu tượng Bluetooth quen thuộc trên máy tính lại có liên quan tới câu chuyện về vị vua Đan Mạch Harald Blåtand ở thế kỷ thứ 10?.
Ông vua này nổi tiếng vì thích ăn việt quất (blueberry) đến nỗi nhiều người tin rằng ít nhất một cái răng của vị vua này có màu xanh không thể tẩy được. Biểu tượng Bluetooth chính là sự kết hợp của hai ký tự chữ Rune cổ thể hiện hai chữ cái đầu tên của vua Harald. Ban đầu biểu tượng Bluetooth cũng có hình dạng giống một chiếc răng.
Ngoài ra, công nghệ Bluetooth có ý nghĩa khác liên quan với vị vua người Đan Mạch. Vua Blåtand vốn nổi tiếng về khả năng thương lượng và hòa giải, giúp các bên nói chuyện được với nhau. Chính vị vua này đã giúp Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển chấm dứt chiến tranh với nhau. Cũng như vậy, công nghệ Bluetooth giúp các thiết bị khác nhau có thể giao tiếp như giữa máy tính với điện thoại và xe hơi".
Biểu tượng USB là một sự cách điệu chiếc đinh ba quyền năng Dreizack của thần biển Neptune. Nhưng thay cho ba mũi nhọn hình tam giác ở đầu ngọn giáo thì những người sáng lập ra chuẩn USB đã thay bằng một hình tam giác, một hình vuông và một hình tròn. Sự thay đổi này hàm ý nhiều thiết bị ngoại vi khác nhau đều có thể tương thích với chuẩn kết nối này.
Các biểu tượng Play/Pause không có nguồn gốc từ máy tính mà xuất phát từ các đàn organ điện tử, các máy chơi nhạc và tất cả các thiết bị có tính năng chơi nhạc hoặc video. Cả hai biểu tượng tam giác quay bên phải và biểu tượng hai thanh đứng song song đều không có một nguồn gốc rõ ràng.
Hai biểu tượng này xuất hiện đầu tiên trên máy chơi băng từ vào giữa những năm 1960. Biểu tượng Play có dạng đầu mũi tên quay sang bên phải chỉ đơn giản thể hiện chiều quay của băng từ. Còn nếu có hai biểu tượng tam giác quay cùng hướng sang trái hay sang phải chỉ đơn giản là băng quay nhanh hơn theo chiều tương ứng.
Nhiều người cho rằng biểu tượng Pause diễn tả ký hiệu một kết nối hở trên sơ đồ điện. Một số khác cho rằng biểu tượng này chỉ đơn giản là biểu tượng Stop bị cắt bớt ở giữa. Nhưng có một giả thiết chắc chắn hơn: biểu tượng Pause bắt nguồn từ dấu im lặng trong nhạc lý (dấu caesura, calmo hoặc calmato) với biểu tượng là hai gạch chéo song song.
Biểu tượng Sleep biểu thị trạng thái không phải ON mà cũng không phải OFF của một thiết bị điện tử. Ban đầu IEC sử dụng biểu tượng Power ngày nay (một vòng tròn cắt đứt bởi 1 gạch) để biểu thị trạng thái Standby.
Sau khi bị IEEE chiếm dụng biểu tượng này để làm biểu tượng Power, một cơ quan chính phủ Mỹ đã quyết định đổi tên thành trạng thái "Sleep". Biểu tượng trăng lưỡi liềm Sleep ngày nay đã được sử dụng rộng rãi ở châu Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tại Nhật đôi khi bạn sẽ bắt gặp nút bấm có chữ Zzzz.
Biểu tượng @ là biểu tượng duy nhất trên máy tính lọt được vào bộ sưu tập thiết kế và kiến trúc của Bảo tàng nghệ thuật đương đại (MoMa). Biểu tượng này đã có một quá trình phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Biểu tượng @ này vốn có rất nhiều tên gọi: ốc sên (ở Pháp và Italy), chuột nhỏ (Trung Quốc) và đuôi khỉ (tại Đức). Năm 1971, Raymond Tomlinson lập trình viên của hãng Bolt, Beranek & Newman đã quyết định thêm một biểu tượng giữa địa chỉ thư điện tử để phân tách tên người dùng và địa chỉ máy chủ.
Trước đó, biểu tượng @ được gắn trên các bàn phím American Underwood vào năm 1885 với vai trò là một phím tắt biểu thị ý nghĩa là "với tỷ lệ". Nhiều người lại cho rằng biểu tượng @ có từ thế kỷ thứ 6, khi các thầy tu thấy đó là một cách viết tốt hơn của từ "tại" (at) hoặc "hướng tới" (toward) trong tiếng La tinh.
Năm 1995, một nhóm nhỏ các nhà phát triển chuẩn FireWire của Apple quyết định tạo ra một biểu tượng có thể phản ánh công nghệ mà họ tạo ra.
Các nhà nghiên cứu tạo ra chuẩn FireWire với mong muốn tạo ra một kết nối tốc độ cao cho âm thanh và video kỹ thuật số. Chính vì vậy họ đã chọn một biểu tượng có 3 đầu đại diện cho dữ liệu, âm thanh và hình ảnh. Ban đầu biểu tượng này có màu đỏ nhưng sau đó chuyển sang màu vàng mà chưa tiết lộ nguyên nhân rõ ràng.
Quả bóng xoay nhiều màu trên Mac OS
Biểu tượng này được biết tới với rất nhiều tên: vòng xoay thôi miên, vòng xoay tử thần, pizza quay, bóng chuyền bãi biển tử thần (SBBOD - spinning beach ball of death).
Apple chính thức gọi nó là con trỏ xoay khi chờ nhưng hầu hết người dùng Mac đều ghét nó. Biểu tượng này xuất hiện khi một ứng dụng nào đó bị treo. Biểu tượng này thay thế cho biểu tượng đồng hồ đeo tay "chờ đợi" xuất hiện trên những phiên bản Mac OS đầu tiên.
Nguồn gốc của thiết kế này vẫn còn là bí ẩn nhưng có vẻ Apple bỏ biểu tượng đồng hồ đi là vì nó nhắc nhở người dùng rằng: máy thì đang treo nhưng thời gian vẫn cứ trôi. Dù vậy, biểu tượng bóng xoay này vẫn rất đẹp.
Biểu tượng cổng mạng Ethernet được thiết kế bởi một nhân viên của IBM có tên David Hill.
Theo Hill, biểu tượng này nằm trong bộ các ký hiệu miêu tả các loại mạng nội bộ vào thời điểm đó. Các khối vuông trong hình đại diện cho các máy tính hoặc thiết bị đầu cuối trong mạng nội bộ. Tất cả các thiết bị đó đều nối vào mạng nội bộ và giao tiếp với nhau.